Ngủ sâu cải thiện khả năng ngôn ngữ


Những câu chuyện kể trước thời điểm trẻ sắp đi vào giấc ngủ có những hiệu ứng cực kỳ hiệu quả đối với khả năng cải thiện vốn từ vựng và ngôn ngữ giao tiếp của trẻ. Đây là kết quả của nghiên cứu mới nhất do những nhà tâm lý học thuộc Đại học Cambridge công bố.
Những chuyên gia não khoa và tâm lý phát hiện ra rằng một giấc ngủ sâu vào buổi tối đóng vai trò quyết định trong việc ghi nhớ và hình thành phản xạ lưu lại những hình ảnh về từ vựng, ngôn ngữ mà ban ngày con người học hỏi. Điều này đúng với cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt trước lúc lên giường ngủ bộ não thường nhập tâm rất tốt từ vựng hơn các thời điểm khác.
Một nhóm người đã được yêu cầu học thuộc những từ ngữ mang tính hư cấu, tưởng tượng vào thời điểm chuẩn bị đi ngủ rồi sau đó chìm vào giấc ngủ sinh học. Kết quả là họ nhớ tốt hơn hẳn so với việc yêu cầu nhắc lại những từ đã học ngay sau vài giờ học thuộc. Phản ứng của não thường mạnh nhất với ngôn ngữ và từ vựng vào thời điểm con người sắp đi ngủ. Đây chính là lý do nhiều người thường có trí nhớ rất tốt với các bản tin từ radio phát vào buổi tối khi họ nằm nghe trên giường. Và trẻ em cũng rất nhạy với những câu chuyện kể khi mà chúng đang chập chờn vào giấc ngủ.

Nghiên cứu mở rộng của các nhà khoa học cho rằng ngôn ngữ mẹ đẻ hiện nay thường bị bóp méo đi một cách bậy bạ trong giai đoạn học sinh cắp sách đến trường. Khả năng tư duy về ngôn ngữ của chúng bị ảnh hưởng bởi từ lóng và hiện tượng sao chép từ các phương tiện thông tin như tivi. Điều này làm nghèo đi vốn từ vựng của trẻ bởi chúng thường rất dễ quên những từ được học. Chỉ bằng cách rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ trẻ mới phát huy được tính sáng tạo khi sử dụng từ ngữ. Bác sĩ Matt Davis - chủ đề tài nghiên cứu cho biết: "Giấc ngủ dường như quan trọng hơn cả trong việc lưu trữ những từ mới trong não và cũng theo cách thức tương tự đối với những từ cũ. Sau giấc ngủ, những tái hiện trong vỏ não sẽ thiết lập một quá trình ghi nhớ những từ mới vào trong nếp nhăn sâu hơn. Có 2 phần của bộ não tham gia vào quá trình này và giấc ngủ kích thích thông tin được luân chuyển từ khu vực lưu ghi nhớ ngắn hạn sang khu vực lưu ghi nhớ dài hạn".
Những thí nghiệm trên hàng loạt người tình nguyện cho thấy trong giai đoạn đầu của quá trình ghi nhớ từ vựng, một phần của não có phản ứng tích cực. Vùng não này được gọi là vùng hippocampus liên quan đến việc hình thành những nếp não ghi nhớ từ mới luôn luôn hoạt động mạnh. Nhưng sau giấc ngủ sâu, một vùng khác của não liên quan đến tư duy, ý thức và dđều khiển ngôn ngữ gọi là vùng neocortex lại rất linh hoạt. Những nhà khoa học kết luận rằng quá trình ghi nhớ từ vựng và lưu giữ chúng trong não diễn ra vào thời điểm giấc ngủ đạt đến độ sâu gọi là thời điểm sóng chậm tức là điểm cuối của giấc ngủ. Vào lúc đó vùng não chức năng ghi nhớ đạt hiệu quả nhất. Lời khuyên của giới chuyên môn là nên dạy trẻ học đọc trước lúc đi ngủ, đó là phương pháp tốt nhất giúp trẻ nhớ lâu và tư duy ngôn ngữ tốt hơn.
Tử Phan (Báo khoa học & Phát triển dịch thuật từ Telegraph)