Phát hiện thêm 83 ngôn ngữ ''mới'' trên thế giới

Các nhà khoa học đã phát hiện thêm 83 ngôn ngữ ''mới'', nâng tổng số ngôn ngữ còn đang được sử dụng trên toàn thế giới lên 6.909 ngôn ngữ ở 156 quốc gia.


Những phát hiện mới này được công bố trong tập sách "Dân tộc: Các ngôn ngữ của thế giới" một cuốn bách khoa toàn thư về các ngôn ngữ trên toàn cầu.
Trong số các ngôn ngữ vừa được phát hiện tại 19 nước, hai nhà khoa học Australia thuộc Đại học La Trobe ở thành phố Melbourne là Jamin Pelkey và David Bradley đã giúp khám phá ra 30 ngôn ngữ ở Trung Quốc.
Những ngôn ngữ mới được biết đến của Trung Quốc chủ yếu được phát hiện ở miền Nam nước này, trong đó có tiếng Azha được 53.000 người sử dụng và tiếng Phula, một ngôn ngữ được coi là sắp ''tuyệt chủng'' vì chỉ có 200 người nói.
Theo giáo sư Bradley, người đã làm việc ở Trung Quốc từ năm 1982, trong hầu hết các trường hợp, các ngôn ngữ mới được khám phá ở Trung Quốc đang được thay thế bởi tiếng Quan Thoại vì trẻ em không học thứ ngôn ngữ này và chúng cũng không được sử dụng ở bên ngoài cộng đồng.
Giáo sư Bradley, cho biết vùng rừng nhiệt đới Amazon và nhiều phần của châu Mỹ Latinh cũng là nơi lý tưởng để các nhà khoa học ''săn tìm'' các ngôn ngữ mới.
Ngoài ra, có nhiều nước khác như Myanmar, nơi có 135 nhóm sắc tộc cùng sinh sống, cũng là nơi để các nhà ngôn ngữ học tìm tòi cho những khám phá mới./.
(Nguồn TTXVN)